Top 10 đặc sản ẩm thực Châu Đốc hấp dẫn nhất định phải thử

Bạn đang xem: Top 10 đặc sản ẩm thực Châu Đốc hấp dẫn nhất định phải thử tại vietabinhdinh.edu.vn

Châu Đốc là một thành phố trực thuộc tỉnh An Giang, Việt Nam, nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, sát biên giới Việt Nam với Campuchia. Vào mùa lễ hội hằng năm, về đồng bằng sông Cửu Long, du khách đến Châu Đốc (An Giang) sẽ là một chuyến đi với nhiều khám phá. Nếu như du khách là một người có tâm nguyện, cầu mong sự tốt lành cho người thân, thì tour du lịch Châu Đốc hứa hẹn sẽ đưa du khách đến các điểm du lịch nổi tiếng linh thiêng là Miếu Bà Chùa Xứ, hoặc Tây An Cổ Tự hay Lăng Thoại Ngọc Hầu,…Và ẩm thực đất Châu Đốc cũng rất biết cách làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi với đủ thứ đặc sản ăn một lần thôi là ghiền mãi. Khá khen cho ai đó đã sáng tạo ra những món ăn dân dã mà ngon đến nao lòng như vậy. Cùng chúng mình tìm hiểu một số đặc sản ẩm thực Châu Đốc hấp dẫn nhất định phải thử nhé.

Contents

  • 1 Gỏi sầu đâu khô cá lóc Châu Đốc
  • 2 Thịt heo rừng nấu mướp
  • 3 Xôi Xiêm Châu Đốc
  • 4 Gỏi trái cóc Châu Đốc
  • 5 Lẩu cá bông lau Châu Đốc
  • 6 Thưởng thức cơm nị – cà púa Châu Đốc
  • 7 Bún cá Châu Đốc
  • 8 Bánh bò thốt nốt
  • 9 Bánh đúc Châu Đốc
  • 10 Lẩu mắm Châu Đốc

Gỏi sầu đâu khô cá lóc Châu Đốc

Có thể khi nhắc đến, nhiều người không rõ cây sầu đâu thế nào nên cũng khó hình dung được món Gỏi sầu đâu khô cá lóc rất đặc trưng của Châu Đốc. Nếu một lần có dịp thử qua món gỏi sầu đâu khô cá lóc trong các chuyến du lịch Châu Đốc, chắc hẳn bạn sẽ biết khá nhiều điều thú vị về món ăn giản dị nhưng rất đậm đà này.

Cây sầu đâu còn được gọi là cây sầu đông và có tên khác nữa là cây xoan mọc nhiều ở khu vực Kiên Giang và An Giang. Lá sầu đâu màu xanh vị hơi đắng có thể dùng trong chế biến các món ăn hay làm thuốc, bông của cây màu trắng xanh rất đặc trưng. Với nguồn gốc từ Campuchia và theo chân những người Khơ-me du nhập vào miền Tây, đặc biệt là khu vực An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu…món gỏi sầu đâu khô cá lóc có lẽ cũng được cải biên chút ít để phù hợp với khẩu vị của người Việt, dù thế vẫn giữ nguyên được hương vị gốc của một món ăn giản dị nhưng độc đáo mà chỉ ở những vùng có cây sầu đâu mới có được. Bởi vậy, nếu có dịp đi du lịch Châu Đốc, bạn không nên bỏ qua cơ hội thử món ăn này.

  • Được chế biến không quá phức tạp, nếu có một chút sầu đâu bạn cũng có thể tự tay làm. Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi để bớt đắng, sau đó để ráo nước. Dưa leo thái mỏng hoặc sắt sợi, thơm cắt nhỏ vừa ăn, xoài cũng được thái mỏng hoặc sắt sợi.
  • Khô cá sặc nướng hoặc chiên xé nhỏ, thịt ba rọi luộc cũng được cắt nhỏ. Những nguyên liệu trên sau khi chuẩn bị xong được trộn lại thêm một ít nước mắm chua ngọt. Nước chấm là nước mắm me được chế biến đơn giản với nước me giầm đã lọc xác và đun sôi đến sệt, nêm nếm vừa ăn. Món gỏi dùng chung với cơm nóng rất đậm đà và thơm ngon đến lạ lùng.
  • Một chút đắng từ lá và hoa sầu đâu, ít chua từ xoài, cộng vị chua của nước chấm mắm me cùng vị đậm đà của khô sặc…hòa quyện vào nhau tạo nên sự hài hòa tinh tế cho món ăn.

Gỏi sầu đâu khô cá lóc đã hiện diện trong ẩm thực Châu Đốc như một món ăn bản xứ, thân thuộc và gần gũi nhưng với khách phương xa lại rất lạ, rất đặc biệt. Bởi thế, mỗi khi đến Châu Đốc dù bận bịu mấy nhiều du khách cũng đều tranh thủ ghé lại chợ đêm Châu Đốc chỉ để thưởng thức món ăn này – mộc mạc đó nhưng lại góp phần không nhỏ tạo nên nét độc đáo ẩm thực đêm ở Châu Đốc khiến du khách luôn lưu luyến không quên.

Thịt heo rừng nấu mướp

Nếu có dịp thực hiện chuyến du lịch xuôi về các huyện miền núi thuộc tỉnh An Giang, bạn đừng quên dừng chân ghé đến các nhà hàng quán ăn tại vùng Bảy Núi để thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng tại đây. Một trong những gợi ý hấp dẫn nhất dành cho bạn đó là món thịt heo rừng nấu mướp, một món ăn có hương vị lạ mà quen, độc đáo mà đậm đà. Một trải nghiệm ẩm thực mang đậm cái hồn của miền sơn cước.

Có thể bạn chưa đi tour du lịch Châu Đốc lần nào, nhưng biết đâu đã từng nghe đến mướp vùng Bảy Núi là đặc sản của vùng khá nổi tiếng. Kết hợp với thịt heo rừng Bảy Núi nữa, lại có thêm một món ngon Châu Đốc đặc biệt, mà có thể bạn khó kiếm tìm ở đâu vị ngon như món ăn địa phương độc đáo này. Về thăm Châu Đốc, du khách sẽ đều thấy, hầu như nhà hàng và quán ăn nào ở Bảy Núi cũng món thịt heo rừng nấu mướp ‘huyền thoại’. Món ăn này rất được người dân địa phương ưa chuộng và dần đi vào trái tim của du khách. Món heo rừng nấu mướp ở đây được biến tấu theo kiểu giả cầy, đậm đà dư vị.

  • Nguyên liệu cũng có đủ các loại gia vị quen thuộc như tương hột, sả ớt, nước cốt dừa, đậu phộng rang, lá chanh tươi…và đặc biệt là những khoanh mướp tươi xanh mơn mởn, góp phần tăng thêm vị ngọt thanh, tươi mát, không gây ngấy đặc trưng cho món ăn.
  • Thịt heo rừng Bảy Núi nổi tiếng săn chắc, nhiều nạc ít mỡ, hàm lượng cholesterol thấp, lành tính, luôn là loại thực phẩm bổ dưỡng, được nhiều du khách tìm kiếm để thưởng thức khi đến Bảy Núi. Thịt heo rừng kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy, hương thơm thoảng của lá chanh và vị ngọt thanh tao từ mướp trái, ăn kèm với bánh mì và chấm thêm chút nước sốt sả ớt đậm đà, cay nồng. Tất cả làm nên một món ăn đầy thi vị, khiến thực khách dù đã no bụng nhưng vẫn còn muốn ăn thêm và sẽ nhớ mãi khi đã rời khỏi Bảy Núi.

Thịt heo rừng nấu mướp được coi là món ngon đặc sản Châu Đốc và là niềm tự hào của người dân vùng Bảy Núi nói riêng, của người Châu Đốc An Giang nói chung. Hầu hết lộ trình du lịch đến Bảy Núi này, người ta đều đưa món thịt heo rừng nấu mướp vào thực đơn của du khách. Đây là dịp để người phương xa thưởng thức và cảm nhận nét đẹp ẩm thực dung dị mà tinh tế của người địa phương.

Xôi Xiêm Châu Đốc

Xôi Xiêm Châu Đốc là một trong những nét đặc trưng của ẩm thực Châu Đốc mà hầu như những ai yêu mến miền đất này hay kể cả những người chỉ vừa đặt chân đến đây lần đầu tiên cũng đều biết đến.

Nói về Châu Đốc, ai cũng biết đây là miền đất tập trung khá nhiều dân tộc sinh sống nên ẩm thực nơi này cũng quy tụ nhiều tinh túy trong nghệ thuật ăn uống mang đậm nét văn hóa rất riêng. Trong cái riêng biệt ấy có món Xôi Xiêm giản dị nhưng khá độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc với bất cứ ai đã từng thử qua. Dù nguồn gốc của món ăn này là từ Thái Lan nhưng khi du nhập vào Châu Đốc, nó lại mang hương vị vùng miền khác biệt.

  • Được xôi từ gạo nếp ngon đã ngâm mềm, xôi phải vừa chín không quá khô và không nhão. Khi xôi xôi người ta thường cho ít lá dứa thơm dưới nồi nước, nếp được hấp chín bằng hơi nước có mùi lá dứa thơm nhẹ rất hấp dẫn.
  • Xôi Xiêm Châu Đốc có lớp nhân phủ lên trên còn gọi là nước xốt. Nước xốt sệt thơm vừa, ngọt nhẹ, hơi béo và bùi, được chế biến rất khéo từ nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, đường thốt nốt, bột mì. Đôi khi ngoài lớp nước xốt sệt thơm ngon còn có chút đậu xanh hấp tán nhuyễn và một ít sầu riêng. Nhiều người cho rằng món xôi nguyên gốc của người Thái là món ngọt, ngọt đậm, thơm nồng và rất béo. So với đặc điểm nguyên gốc này, món Xôi Xiêm Châu Đốc có hương vị hài hòa nhẹ nhàng hơn, trở nên đặc sắc một cách đầy nghệ thuật bởi có sự trộn lẫn những tinh hoa văn hóa ẩm thực vùng miền rất phù hợp với khẩu vị người Việt.

Nếu khi xưa chỉ khi đi tour du lịch Châu Đốc hay những tour du lịch miền Tây có ghé Châu Đốc mới có dịp để thưởng thức Xôi Xiêm thì ngày nay, món ăn hấp dẫn này đã hiện diện ở khắp các vùng miền. Dù ở mỗi nơi món Xôi Xiêm đều có gia giảm chút ít về gia vị để phù hợp với khẩu vị địa phương, song nó không làm mất đi cái tinh chất Xôi Xiêm Châu Đốc, mà vẫn luôn tuôn thủ phong cách chế biến nhẹ nhàng, hài hòa và vẫn đủ sức thu phục mọi thực khách.

Gỏi trái cóc Châu Đốc

Gỏi trái cóc Châu Đốc là một trong những món gỏi rất độc đáo của ẩm thực An Giang nói riêng và ẩm thực miền Tây nói chung, bởi sự giản dị mộc mạc nhưng lại rất đậm đà với hương vị tự nhiên hấp dẫn. Nhiều du khách cho rằng trong các món ngon ẩm thực Châu Đốc nếu không nhắc đến món gỏi trái cóc thực sự sẽ là một thiếu sót lớn. Món ăn này không làm cho thực khách phải da diết nhớ về hương vị như nhiều món ăn thơm ngon khác trong thế giới ẩm thực Nam Bộ, nhưng nó đọng lại trong tâm thức của người thưởng thức sự hài hòa tuyệt vời và độc đáo từ loại trái cây cảm tưởng như không được ưu ái trong nghệ thuật chế biến ẩm thực là mấy.

  • Những trái cóc để làm gỏi thường rất tươi vì ở Châu Đốc vào mùa, cóc rất sẵn. Có người thích làm gỏi từ những trái cóc non để có vị thanh và độ mềm hơn một chút, nhưng cũng có người thích làm cóc vừa già tới để có độ ngọt đậm đà hơn. Cóc sau khi hái về được gọt vỏ, xẻ dọc theo chiều trái cóc và bào mỏng để có những sợi cóc hơi mảnh, rửa sơ qua nước ấm sau đó vắt nước để ráo. Cóc thái sợi đã ráo sẽ được trộn ít đường và nước mắm ngon để thấm.
  • Trộn chung với cóc thái sợi đã thấm là khô cá lóc nướng xé nhỏ, lá rau răm, hành tím phi vàng, vài lát ớt và một chút đậu phụng rang giã dập. Vậy là món cóc hoàn tất, với cách chế biến nhanh, đơn giản và nguyên liệu không cầu kỳ.
  • Vị chua ngọt thanh thanh giòn giòn của cóc quyện trong khô cá lóc hơi nồng dịu lại bởi chút lá răm, chút bùi của đậu phụng, cùng chút hành phi thơm rất bắt mùi…khiến cho thực khách dùng rồi thì khó mà quên được sự hài hòa quyến rũ của món ăn này.

Trong các hành trình du lịch Châu Đốc Hà Tiên, du khách thể nào cũng có dịp thử qua món gỏi cóc Châu Đốc chính gốc khá thơm ngon. Thử qua rồi du khách sẽ thấy rõ tuy không được xem là món đại diện cho nghệ thuật chế biến gỏi của Châu Đốc, cũng như không quá nổi tiếng như món gỏi sầu đâu khô cá lóc Châu Đốc, món gỏi cóc có vẻ như khiêm tốn hơn nhưng luôn để lại cho thực khách dư vị đồng nội ngọt ngào không thể quên.

Lẩu cá bông lau Châu Đốc

Trong các món ngon ẩm thực Châu Đốc, nếu không kể đến lẩu cá bông lau Châu Đốc sẽ là một điều đáng tiếc, bởi món ăn này được xem như đặc sản của miền đất có núi Sam sừng sững và miếu Bà Chúa Xứ rất linh thiêng này.

Các công ty chuyên du lịch Miền Tây khi đưa khách đến thăm miền đất An Giang với các tour du lịch Châu Đốc 2 ngày 1 đêm hay 3 ngày 2 đêm, nhất định trong hành trình khi dừng lại để dùng bữa trưa hay tối thể nào cũng có món lẩu cá bông lau. Được gọi là xứ sở của tôm cá tươi ngon và hương rau cỏ đồng nội cực kỳ dồi dào phong phú, món lẩu cá bông lau nghe qua có vẻ rất đỗi bình thường nhưng chính gốc ở Châu Đốc thì thơm ngon không thể chê được.

  • Nguyên liệu nấu lẩu cá bông lau không khó kiếm, gồm cá bông lau tươi ngon, nước dừa tươi, me chín, hành tím băm nhuyễn, gia vị đầy đủ, bún tươi, các loại rau, rau thơm và cà chua.
  • Nước lẩu được nấu bằng nước dừa tươi, nước me chua đã lược bỏ xác, cho cá đã chiên sơ vào, nếu muốn dùng nhiều nước thì thêm nước lạnh, nêm nếm vừa ăn. Trong quá trình nấu nước lẩu phải hớt bọt thường xuyên để nước được trong. Nước lẩu nấu sôi hơn 10 phút là đã có thể dùng được. Trước khi dùng, vớt cá ra đĩa có chút nước mắm mặn và ớt cắt lát.
  • Lẩu cá bông lau thơm ngon thu phục thực khách bởi rất nhiều yếu tố. Không chỉ hấp dẫn bởi nước lẩu trong có vị hài hòa và thanh, cá bông lau Châu Đốc thịt rất chắc không bị bở và các loại rau ăn cùng lẩu là những loại rau đặc trưng của miền sông nước như bông so đũa, bông súng, rau đắng, điên điển, rau dừa nước, vòi voi…

Lẩu cá bông lau tuy giản dị thế nhưng cực kỳ hấp dẫn, không làm phật ý những người thưởng thức bao giờ. Sự đơn giản cùng hương vị rất đậm đà, đã làm lẩu cá bông lau Châu Đốc trở thành món ăn đặc sản khiến du khách bốn phương luôn nhớ về khi đã một lần thử qua.

Thưởng thức cơm nị – cà púa Châu Đốc

Trong các hành trình du lịch Châu Đốc An Giang, thể nào du khách cũng ít nhất một lần nghe nhắc đến món cơm nị – cà púa An Giang với những câu chuyện kể thú vị.

Cơm nị – cà púa được biết đến là món ăn đặc sắc của người Chăm Châu Giang và là một trong những món ăn đặc biệt trong ẩm thực Châu Đốc An Giang khá phong phú. Cơm nị – cà púa luôn gắn liền với nhau khiến nhiều người lầm tưởng đây là tên của một món ăn, nhưng thực chất lại là hai món ăn được dùng kết hợp. Nếu du khách có dịp đi các tour du lịch Miền Tây đến Châu Đốc An Giang đừng quên khám phá món ăn độc đáo này.

  • Cơm nị được chế biến một cách tỉ mỉ. Gạo ngon được vo sạch, để ráo rồi xào chung với bơ, nụ đinh hương và quế cho thật thơm, sau đó cho thêm ít dầu điều để tạo màu. Gạo được xào xong sẽ đổ vào nồi nước có nêm gia vị muối, đường, bột ngọt, cà ri để nấu thành cơm. Khi cơm gần chín người ta sẽ cho thêm nước cốt dừa hoặc sữa cùng một chút nho khô vào. Món cơm nị hoàn tất như thế với đủ hương vị thơm ngon và vị béo ngậy rất đặc trưng. Dùng kèm cơm nị nhất định phải là cà púa.
  • Món cà púa người Chăm chế biến cũng khá công phu với nguyên liệu chính là thịt bò. Thịt bò phải thật tươi, được khử mùi bằng rượu và gừng trước khi chế biến. Thịt bò được xào với cà ri, hành, ớt, muối đến thấm và cho nước cốt dừa vào ninh tới khi mềm. Thịt bò ninh đã đủ mềm sẽ được cho thêm cơm dừa nạo rang vàng, hành củ và đậu phụng rang thì mới hoàn tất.

Quy trình chế biến cơm nị – cà púa An Giang được thấy là dùng khá nhiều nước cốt dừa, khiến người ta dễ liên tưởng đến vị béo ngậy thái quá và khó lòng mà thưởng thức hết đến muỗng cơm cuối cùng. Ấy vậy mà khi du khách có dịp để thử thì hoàn toàn không phải vậy, bởi các hương vị trong món ăn khi hòa quyện vào nhau lại rất hài hòa và dễ chịu. Đặc biệt, vị béo ngậy của dừa lại trở thành nét đặc trưng rất riêng mà thiếu đi nét đặc trưng đó có thể đã không thể hình thành món cơm nị – cà púa thơm ngon một cách lạ lùng.

Bún cá Châu Đốc

Nằm trong số những món ăn đặc sản Châu Đốc, món bún cá Châu Đốc luôn để lại ấn tượng rất đặc biệt nơi mỗi thực khách đã có dịp thử qua khi đến tham quan du lịch Châu Đốc. Điểm qua ẩm thực của các vùng, món bún cá dường như không khó tìm. Có thể bạn đã từng biết, từng nghe thậm chí là từng thử món bún cá của các nơi như bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang, bún cá Long Xuyên, bún cá Nha Trang, bún cá Ninh Hòa, thậm chí là bún cá Hà Nội…nhưng nếu một lần thử qua thêm món bún cá Châu Đốc, có lẽ bạn hay bất cứ thực khách nào cũng dễ dàng nhận diện được hương vị đặc trưng của nó.

Được xem là món ăn đặc sản An Giang cũng không lấy làm khó hiểu, bởi món bún cá Châu Đốc cực kỳ đậm đà và giữ nguyên hương vị chân chất của món bún cá so với nguồn gốc của món ăn này. Cái gốc của món bún cá thực chất được cho là món ăn du nhập từ Campuchia và sự du nhập đó như một món quà đặc sắc cho lĩnh vực ẩm thực miền Tây, lưu lại từ quá trình giao lưu văn hóa, được cải biên cho phù hợp với hương vị vùng miền.

  • Mặc dù thành phần hình thành nên món ăn này khá đơn giản, chỉ bao gồm cá lóc, nước lèo, bún tươi nhưng khâu chế biến lại khá tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
  • Để có nước lèo ngon và trong thì phải ninh xương ống, trong quá trình ninh phải căn hớt bọt liên tục, nếu không sẽ làm đục nước. Sau khi ninh xương, phần xương được vớt ra, nước để lắng, lọc qua nồi khác và tiếp tục đun sôi, nêm nếm gia vị gồm có mắm cá linh và mắm ruốc đã lược bỏ xác mắm.
  • Phần cá trong món ăn này sử dụng cá lóc, được làm sạch nhưng giữ nguyên lòng cá. Cá luộc chín với xả và nghệ đập giập để có mùi thơm, màu đẹp và khử mùi tanh. Cá sau khi luộc, gỡ thịt, ướp gia vị và xào sơ qua với nghệ. Công đoạn kế tiếp là trụng bún, bỏ vào tô chỉ lưng tô, xếp lên trên là cá, một ít thịt heo quay, chan nước lèo và rắc thêm ít rau thơm, ăn kèm thêm một số loại rau khác như rau muống bào, bắp chuối thái sợi, rau sống…

Mùi thơm của cá, quyện vị nước lèo khá đậm đà với màu vàng nhẹ khá bắt mắt từ nghệ…làm nên một món bún cá ngon ở Châu Đốc, rất giản dị nhưng có sức lôi cuốn hấp dẫn thực khách đến lạ kỳ.

Bánh bò thốt nốt

Những chuyến du lịch Châu Đốc dường như bao giờ cũng để lại nhiều âm hưởng ngọt ngào thi vị đến mọi du khách, từ cảnh quan đến con người và sản vật. Tất cả cứ như hương vị nồng nàn ngào ngạt của chiếc bánh bò thốt nốt, giản dị đó song lại đượm thắm hồn quê đất An Giang trù phú.

Trong nền ẩm thực Châu Đốc, ngoài mắm là đặc sản trứ danh, hay các món ngon gắn với vùng núi Bảy Núi hay Ba Thê được nhắc đến nhiều, thì thốt nốt cũng là một trong những cái tên được thường xuyên đề cập không thua kém vậy. Những món ngon của Châu Đốc, nhiều món nếu không có sự góp mặt của hương vị thốt nốt, thì có lẽ đả chẳng thành ngon

Bánh bò thốt nốt Châu Đốc cũng thế, vị ngon đặc trưng của bánh, phần lớn đều nhờ đến sự nồng nàn của trái thốt nốt và đường thốt nốt sẵn có ở địa phương.

  • Để làm bánh bò thốt nốt, người Châu Đốc thường sử dụng gạo nàng Nhen của vùng Bảy Núi. Gạo được ngâm, xay, lọc lấy bột. Trái thốt nốt già cũng được mài để lấy bột, rồi trộn với bột gạo, thêm đường thốt nốt tán nhuyễn, cùng nước cốt dừa, cùng ít nước cơm rượu, trộn đều, ủ qua đêm.
  • Quan một đêm, bột lên men, dậy mùi sẽ được đổ khuôn, hấp chín. Bánh khi hấp xong, được lấy ra khỏi khuôn, gói trong lá soong hoặc lá chuối xiêm, rắc thêm ít dừa nạo lên trên rồi thưởng thức. Bánh bò thố nốt có màu vàng ươm – màu đặc trưng thường thấy của đường thốt nốt, bánh nở phồng trông như hoa nhờ gạo ngon, ủ khéo và vị ngon đậm nhưng thanh nhờ đường thốt nốt, cùng chút béo ngậy từ nước cốt dừa.

Bánh bò là loại bánh khá bình dị, bánh bò thốt nốt cũng vậy, được làm từ nguyên liệu của địa phương rất gần gũi và giản dị. Song, chính nhờ cái chất rất riêng của địa phương như thế, lại khiến cho món bánh bò thốt nốt thành đặc biệt mà nếu như thử qua một lần, không ai có thể quên được vị, hay có thể tìm ở nơi nào khác, một vị bánh tương đương như vậy để mà thay thế.

Nếu như bạn đã từng đi tour du lịch đến Châu Đốc mà bỏ lỡ một lần nếm qua món bánh bò thốt nốt đặc sản, thì khi có dịp trở lại, đừng quên dành thời gian để khám phá bù lại hương vị tuyệt vời này. Là món bánh khá phổ biến và là đặc sản dễ tìm như món mắm Châu Đốc trứ danh, ở bất cứ vùng đất nào nơi Châu Đốc An Giang, cũng đều sẵn có món bánh thốt nốt nóng hổi thơm ngon để cho bạn thưởng thức.

Bánh đúc Châu Đốc

Bánh đúc Châu Đốc có thể được xem là một trong những món ngon ẩm thực Châu Đốc, có sức hấp dẫn đến thực khách một cách lạ lùng nhất. Không cầu kỳ nhưng món bánh này mang hương vị khác biệt và đặc trưng mà không phải loại bánh bình dân nào cũng có được.

Về tham quan du lịch miền Tây, du khách thường gặp món bánh tráng, bánh xèo…vậy mà đến Châu Đốc món bánh làm thực khách say mê lại là một loại bánh có cái tên rất đỗi mộc mạc – bánh đúc. Bánh đúc Châu Đốc có thể khiến người ta thắc mắc có gì đặc biệt nếu đã từng thử qua bánh đúc phổ biến của miền Bắc. Nếu như bánh đúc miền Bắc dùng với nước mắm mặn, bên trong bánh có ít đậu phụng tạo vị bùi lẫn trong vị vôi trong bánh, làm cho bánh đúc trở nên đặc biệt, thì bánh đúc Châu Đốc lại khác biệt rất nhiều.

  • Cũng được làm từ bột gạo, quấy ít nước vôi trong để bánh được giòn, người Châu Đốc thêm vào bánh đúc ít nước cốt dừa, cốt lá dứa thơm nên bánh đúc rất thơm và béo. Gạo để làm bột phải là loại gạo ngon và mới, ngâm đủ mềm rồi mới xay nên bột không chỉ thơm mà còn có độ dẻo vừa.
  • Khi chuẩn bị bột xong, người ta dùng một cái nồi có tráng dầu ăn để nấu bột, khi nấu phải quấy đều tay để bột thật mịn không bị vón cục. Đến lúc bột chín trong sẽ được đổ ra khuôn, bột nguội đông lại và người ta cắt thành từng miếng nhỏ, chan nước cốt dừa, nước đường thắng vàng có ít đậu phụng rang hoặc mè rang vàng xong là thưởng thức.

Với món bánh đúc Châu Đốc, tuy chỉ lá món ngọt ăn chơi giản dị, nhưng người tổ chức tour cũng không quên nhắc du khách nhất định nên thử qua khi đến Châu Đốc, bởi người Châu Đốc làm món bánh này cực khéo từ hình thức đến hương vị, luôn thơm ngon béo ngậy mà một khi đã thử qua thì thực khách khó lòng mà quên được.

Lẩu mắm Châu Đốc

Du khách đã từng đi các tour du lịch miền Tây có ghé Châu Dốc An Giang, có lẽ không ai không thử qua món lẩu mắm Châu Đốc nức tiếng. Là một nét đặc trưng trong ẩm thực Châu Đốc, lẩu mắm Châu Đốc khiến bất cứ ai thử qua cũng không khỏi thán phục vì sự kết hợp hài hòa của mắm, cùng bao nguyên liệu khác, thành món lẩu thơm ngon đến khó kềm chế.

Châu Đốc gọi là xứ sở của mắm, nổi tiếng với làng mắm Châu Đốc đã rất nhiều tuổi, nên các món ăn chế biến từ mắm nhiều cũng không khiến người ta phải thắc mắc. Món lẩu mắm ra đời có lẽ cũng là điều hiển nhiên khi người miền Tây nói chung và người Châu Đốc An Giang nói riêng lại khéo léo chuyện bếp núc đến như thế. Từ nhúm lá ngoài vườn như sầu đâu cũng có thể kếp hợp với khô cá lóc, để trở thành món gỏi sầu đâu khô cá lóc rất ngon, thì không có lý do gì để thiếu vắng món lẩu nấu từ mắm Châu Đốc nức danh. Tuy thơm ngon và đặc trưng thế nhưng nhiều người cho rằng nấu lẩm mắm Châu Đốc rất dễ.

  • Thường để nấu nước lẩu người ta dùng mắm cá sặc và cá chốt, ninh chín rồi lọc thật sạch xác mắm để nước được trong. Thêm vào nồi nước này là ít xả băm, ớt và nước dừa tươi sau đó là ít thịt ba rọi cùng phi lê cá basa để thêm lẩu thêm thơm ngon.
  • Khi thịt cá chín tới, người ta cho thêm cà tím cắt khúc chẻ tư vào, cà chín tới là nước lẩu xem như hoàn tất. Dùng kèm lẩu mắm Châu Đốc là bún tươi và các loại rau của làng quê Châu Đốc như bông súng, điên điển, rau dừa, so đũa, cù nèo….

Lẩu mắm Châu Đốc bây giờ dường như được phục vụ ở rất nhiều nơi, không chỉ ở khu vực miền Tây sông nước mà còn có mặt ở Sài Gòn – thành phố sôi động nhộn nhịp nhất nước. Tuy vậy, nếu có dịp đi du lịch Châu Đốc, thăm vùng đất Bảy Núi và có Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc linh thiêng thì bạn đừng quên thưởng thức món lẩu mắm Châu Đốc nơi xứ sở của nó. Một điều chắc chắn là khi bạn thử qua, bạn sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon đậm đà tuyệt vời của nó, hơn tất cả các món lẩu mắm mà bạn đã từng thử ở đâu khác trước đó.

Trên đây là những món đặc sản ẩm thực của miền đất Châu Đốc mà bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm vùng đất này. Những món ăn dân giã nhưng đậm bản sắc vùng miền khiến ai ăn một lần đều không thể nào quên.

Đăng bởi: Hoàng Vương

Từ khoá: Top 10 đặc sản ẩm thực Châu Đốc hấp dẫn nhất định phải thử

Bạn thấy bài viết Top 10 đặc sản ẩm thực Châu Đốc hấp dẫn nhất định phải thử có đáp ướng đươc vấn đề bạn tìm hiểu không?, nếu không hãy comment góp ý thêm về Top 10 đặc sản ẩm thực Châu Đốc hấp dẫn nhất định phải thử bên dưới để vietabinhdinh.edu.vn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: vietabinhdinh.edu.vn

Nhớ để nguồn bài viết này: Top 10 đặc sản ẩm thực Châu Đốc hấp dẫn nhất định phải thử của website vietabinhdinh.edu.vn

Xem thêm chi tiết về Top 10 đặc sản ẩm thực Châu Đốc hấp dẫn nhất định phải thử
Xem thêm bài viết hay:  Địa chỉ các trung tâm bảo hành Samsung tại Việt Nam 2023

Viết một bình luận