Tổng hợp các trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam

Bạn đang xem: Tổng hợp các trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam tại vietabinhdinh.edu.vn

Trò chơi dân gian từ bao đời nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, gắn bó với bao thế hệ của người dân Việt Nam. Những trò chơi này đem đến cho người chơi một bầu không khí vui vẻ, lành mạnh, một sân chơi vui nhộn hấp dẫn và rèn một số kỹ năng sống. Dưới đây là những trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam được ThuThuatPhanMem sưu tầm và tổng hợp lại.

1. Cướp cờ

Đây là một trò chơi mang tính tập thể, bao gồm hai đội chơi với số lượng bằng nhau. Thông thường, mỗi đội chơi sẽ có từ 5-6 bạn, không phân biệt nam nữ. Trong lúc chuẩn bị, thành viên của hai đội chơi sẽ đứng sát mép vạch xuất phát của đội mình, lần lượt đếm số thứ tự từ 1 đến hết. Người chơi phải nhớ số thứ tự của mình và người chơi ở đội bạn có cùng số.

Trò chơi bắt đầu khi người chủ trò gọi một số bất kỳ, hai số tương ứng của hai đội sẽ lần lượt chạy đến vòng và cướp cờ. Cùng một lúc có thể hai, ba, bốn số cùng lên nhưng khi quản trò gọi số nào, số đấy lập tức phải quay về đứng trước vạch xuất phát của đội mình.

Khi bạn cướp được cờ, bạn phải nhanh chóng chạy về vạch xuất phát. Nếu bị số tương tự của đội bạn chạm vào người, bạn sẽ bị thua, chủ quản sẽ không gọi đến bạn nữa. Nếu bạn thấy có nguy cơ bị chạm, hãy bỏ cờ xuống đất để tránh bị thua. Trong khi chơi, người chơi chỉ được phép lừa đối phương để mang cờ về, không được phép giữ nhau cho bạn cướp cờ. Đội thắng cuộc là đội đem cờ về đích an toàn.

2. Ô ăn quan

Trước khi bắt đầu trò chơi, người chơi phải kẻ một hình chữ nhật, chia thành 10 ô bằng nhau, ở hai đầu vẽ hai hình vòng cung. Hai ô này tương ứng với hai quan, mỗi ô được đặt 1 viên sỏi to, các ô còn lại, mỗi ô được đặt 5 viên sỏi nhỏ.

Hai người hai bên, người chơi sẽ chọn một ô, nắm sỏi ở ô đấy đi chia cho các ô kế tiếp theo chiều kim đồng hồ. Khi hết sỏi, ta lại tiếp tục nhặt sỏi ở ô kế tiếp và tiếp tục rải. Người chơi sẽ dừng lại khi viên sỏi cuối cùng cách ô tiếp theo một ô trống. Số lượng sỏi ở ô cạnh ô trống đó sẽ thuộc về người chơi. Khi ấy, người đối diện mới có thể bắt đầu, thực hiện tương tự như người chơi đầu tiên.

Cả hai sẽ liên tục thay phiên nhau đi quan, nếu ai nhặt được ô quan lớn, lấy hết sỏi ở các ô của đối phương, thì sẽ dành chiến thắng. Sau đó trò chơi sẽ lại được bắt đầu lại.

3. Thả chó

Trò chơi này không giới hạn số lượng người chơi, tuy nhiên người chơi phải oẳn tù tì để xác định xem người thắng và người thua. Người thắng sẽ đóng vai ông chủ, người thua sẽ đóng vai “chó.

Khi bắt đầu trò chơi, ông chủ sẽ bịt tai chú chó và nói “Xi bu khoai, xì bù khoài, sờ đâu sờ đó, sờ con chó, sờ con mèo, sờ vào….” Một đồ vật nào đó ví dụ như cây phượng, cái ghế đằng kia, …Những người chơi còn lại sẽ nhanh chóng chạy thật nhanh về phía vật đó để chạm và chạy về phía ông chủ.

Sau một khoảng thời gian vừa đủ, ông chủ sẽ hô thả chó, chú chó sẽ có quyền đuổi bắt mọi người. Thấy chú chó mọi người phải chạy thật nhanh để không bị chạm vào. Nếu có nguy cơ bị bắt, người chơi phải ngồi thụp xuống và bịt tai lại, khi không có chó bên cạnh thì có thể chạy đi. Nếu người chơi không kịp ngồi, bị chó bắt được thì sẽ thế chú chó ở lượt kế tiếp. Người chơi cuối cùng không chạy về kịp cũng sẽ phải thay làm chó ở lượt kế.

Nếu hết một lượt chơi, chó không bắt được ai thì vẫn tiếp tục là chó. Ông chủ phải tính toán thời gian thả chó sao cho hợp lý để người chơi có cơ hội tránh được hoặc bắt không quá chênh lệch.

4. Chi chi chành chành

Chi chi chành chành

Trò chơi này dành cho các bé ở độ tuổi mẫu giáo là hợp lý nhất để rèn luyện phản xạ nhanh. Số lượng người chơi từ tối thiểu là 3 người, nhiều nhất 7 người, không nên đông quá. Nếu số lượng người chơi quá đông có thể chia thành các nhóm nhỏ.

Bắt đầu trò chơi, một người sẽ xòe tay ra, những người chơi còn lại sẽ đặt ngón trỏ vào trong lòng bàn tay. Người xòe bàn tay sẽ đọc thật nhanh bài ca dao:

“Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba vương ngũ đế

Bắt dế đi tìm

Ù à ù ập

Đóng sập cửa vào.”

Khi nghe đến chữ “ập”, người xòe bàn tay sẽ nhanh chóng nắm tay lại, người chơi còn lại sẽ nhanh chóng rút tay ra. Nếu ai không rút ra kịp, người đó sẽ bị thua và sẽ thay thế chỗ người xòe bàn tay. Trò chơi lại bắt đầu.

5. Nhảy bao bố

Quản trò sẽ chia người chơi thành hai, ba, bốn nhóm với số lượng người chơi bằng nhau. Có vạch xuất phát và vạch đích là như nhau. Trong lúc chuẩn bị, người chơi của mỗi đội sẽ xếp thành một hàng dọc, người đứng đầu sẽ bước vào trong bao, hai tay giữ lấy miệng bao.

Khi có hiệu lệnh bắt đầu, người đứng đầu mỗi đội nhanh chóng nhảy đến vạch đích rồi nhanh chóng quay trở lại vạch xuất phát đưa bao cho người tiếp theo. Lần lượt cho đến người cuối cùng. Đội vào về đích trước thì đội đó sẽ giành chiến thắng.

Đội chơi nào nhảy trước khi có hiệu lệnh hay chưa nhảy đến vạch đích quy định đã quay lại thì sẽ bị coi là phạm luật. Hay chưa đến đích mà đã bỏ bao cũng bị coi là phạm luật và bị loại khỏi cuộc chơi.

6. Chơi chắt/ Chơi chuyền

Chơi chắt Chơi chuyền

Đây là trò chơi dành riêng cho các bạn nữ rèn luyện tính khéo léo, dẻo dai. Để bắt đầu được trò chơi, người chơi cần chuẩn bị 10 que nhỏ và một quả tròn nặng, có thể là quả bòng nhỏ, quả cà pháo, … Số lượng người tham gia từ 2 đến 5 người.

Bắt đầu trò chơi, người chơi rải những que nhỏ dưới chân, cầm quả ở tay phải tung lên không trung, tay trái nhanh chóng nhặt từng que. Lặp lại cho đến khi quả rơi xuống đất, khi ấy lượt chơi sẽ chuyển cho người tiếp theo. Trò chơi gồm nhiều bàn, bàn thứ nhất, mỗi lượt tung quả, chỉ được phép nhặt một que. Ở bàn thứ hai, được phép lấy hai que trong một lần tung…. Cho đến bàn 10, nhặt cả 10 que trong một lần tung. Trong mỗi lần nhặt quả, người chơi sẽ đọc những câu thơ phù hợp với từng bàn: một mốt, một mai, con trai, con hến, … Đôi tôi, đôi chị, … Ba lá đa, ba lá đề, …  Khi hết 10 bàn, người chơi sẽ chuyển sang chuyền bằng hai tay: Chuyền một vòng, hai vòng, ba vòng, vừa truyền vừa đọc “đầu quạ, quá giang, sang sông, trồng cây, ăn quả, nhả hột, … Cứ như vậy thực hiện 10 lần là hết một bàn chuyền. Hết một bàn chuyền hoàn chỉnh sẽ được tính là một điểm.

Nếu người chơi nhặt quá số que ở mỗi bàn hoặc ít hơn cũng sẽ bị mất lượt. Ví dụ, ở bàn 3, trong hai lần bạn nhặt được 3 que, lần thứ 3 chỉ nhặt được 2 que hoặc vơ cả 4 que còn lại thì cũng coi là bị thua, lượt chơi sẽ chuyển cho người tiếp theo. Nếu người chơi không nhanh tay, nhanh mắt, không bắt được bóng và que cùng lúc sẽ bị mất lượt.

7. Mèo đuổi chuột

Đây là một trò chơi dân gian tập thể, không hạn chế số lượng người chơi. Sau khi chọn ra một người làm mèo, một người làm chuột đứng quay lưng lại với nhau. Những người chơi còn lại sẽ cầm tay nhau tạo thành một vòng tròn, bao quanh mèo và chuột, bắt đầu hát:

“Mèo đuổi chuột

Mời bạn ra đây

Tay lắm chặt tay

Đứng thành vòng rộng

Chuộ luồn lỗ hổng

Mèo chạy đằng sau

Thế rồi chú chuột

Lại đóng vai mèo

Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột.”

Khi mọi người hát đến câu cuối thì chuột bắt đầu chạy, mèo sẽ đuổi theo sau. Người chơi sẽ dơ tay lên khi chuột chạy qua, hạ thấp tay xuống để làm khó mèo. Chuột chạy qua chỗ nào, chuột cũng phải chạy đúng chỗ mà chuột đã chạy qua. Mèo bắt được chuột sẽ thắng, cả hai sẽ đổi vai mèo và chuột cho nhau. Sau khi kết thúc, người đóng vai mèo lượt kế tiếp không muốn tiếp tục đuổi bắt, sẽ được quyền chọn ra một người khác thay thế mình để tiếp tục ván mới.

8. Kéo co

Kéo co

Tương tự như nhiều trò chơi khác, người chơi sẽ được chia thành hai đội, mỗi đội có số lượng người như nhau, sức khỏe tương đương nhau. Bắt đầu trò chơi, hai đội chơi sẽ tiến về phía vạch đã kẻ sẵn, cầm sợi dây thừng lên sao cho chiếc nơ/ sợi dây buộc ở giữa dây thừng thẳng với vạch đã kẻ.

Khi có hiệu lệnh hô bắt đầu, hai đội chơi nhanh chóng xiết chặt sợi dây, kéo mạnh về phía mình sao cho người đứng đầu đội bạn chạm vào vạch đã kẻ. Đội nào ngã về phe đối phương trước là đội thua cuộc. Để tăng thêm khí thế cho trò chơi, những người đứng xem sẽ hô to “dô ta” hay “cố lên” để cổ vũ cho đội chơi.

Để phân thắng bại, người chơi sẽ chơi ba ván, đội nào thắng 2/3 sẽ là đội giành chiến thắng.

9. Rồng rắn lên mây

Một người chơi sẽ đóng vai là thầy thuốc, những người còn lại sẽ đóng vai mẹ con nhà rắn đi xin thuốc. Bắt đầu trò chơi, người sau sẽ nắm vạt áo người trước sau đó bắt đầu vừa đi vừa hát:

“Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không?”

Người đóng vai thầy thuốc sẽ tìm mọi lý do để từ chối mẹ con nhà rắn như đang ăn cơm, đi chơi, … Mỗi lần bị từ chối mẹ con nhà rắn sẽ lại đi vòng vòng và hát lại bài ca dao. Cho đến khi thầy thuốc bảo “có nhà”, hai bên sẽ bắt đầu đối thoại như sau:

Thầy thuốc: Rồng rắn đi đâu?

Người đứng đầu trả lời: Rồng rắn đi lấy thuốc chữa bệnh cho con.

Con lên mấy? – Con lên một

Thuốc chẳng ngon – Con lên hai

….

Con lên mười? – Thuốc ngon vậy

Thầy thuốc bắt đầu đòi hỏi

Xin khúc đầu. – Cùng xương cùng xẩu

Xin khúc giữa – Cùng máu cùng me

Xin khúc đuôi. – Tha hồ mà đuổi.

Lúc này, thầy thuốc sẽ tìm mọi cách đuổi bắt người cuối cùng trong hàng. Người đứng đầu phải dang tay ra che chở cho phần đuôi. Những người theo sau phải chạy theo người chạy trước, không được buông tay. Nếu đuôi bị đứt thì người cuối cùng sẽ thay thế làm thầy thuốc và bắt đầu ván mới.

10. Đấu vật

Đấu vật

Đây là trò chơi dân gian được tổ chức thường niên ở Mai Động (Hà Nội) trong hội làng. Cuộc thi sẽ được tổ chức ở khu vực đất trống với số lượng các đô vật đông đảo. Trong lúc thi đấu, các đô vật phải cởi trần, chỉ được phép đóng khố để che phần hạ bộ. Sở dĩ phải cởi trần để đôi bên không thể nắm áo, nắm quần nhau để giành lợi thế về cho mình. Cuộc thi bắt đầu, các đô vật tiến lên lễ đài, khua chân múa tay lấy khí thế và rình xem đối phương có sơ hở nào không mới bắt đầu xông vào ôm lấy nhau. Họ dùng mưu mẹo để lừa nhau, ra những thế vật nhằm hạ địch thủ. Những người đạt giải nhất, nhì, ba sẽ được chúc mừng trao giải.

11. Bịt mắt bắt dê

Đây là trò chơi dân gian được trẻ con từ 6 đến 15 tuổi vô cùng yêu thích, thường được tổ chức trong các hoạt động tập thể hay trong những giờ giải lao. Bắt đầu trò chơi, một người sẽ bị bịt mắt bằng một chiếc khăn sao cho không nhìn thấy những người xung quanh. Những người còn lại sẽ đứng cầm tay nhau tạo thành vòng tròn bao quanh người bịt mắt. Nhiệm vụ của những người này là di chuyển xung quanh đến khi người bị bịt mắt hô “bắt đầu” hoặc “đứng lại”. Khi ấy, người chơi phải lập tức đứng lại, người bị bịt mắt sẽ di chuyển, đi đến các vị trí xung quanh mình để bắt một ai đó.

Mọi người xung quanh phải cố tránh để không bị bắt bằng cách, khi người bịt mắt tới có thể ngồi xuống để người bịt cho rằng chỗ đó không có người và sẽ di chuyển sang hướng khác hay tạo ra nhiều tiếng động để đánh lạc hướng. Nếu một ai đó bị bắt và bị người bịt mắt đoán đúng tên, hai người sẽ thế chỗ cho nhau. Nếu người đó đoán sai, sẽ tiếp tục bị bịt mắt và tiếp tục trò chơi.

Trong quá trình trò chơi đang diễn ra, có một ai đó muốn xin vào thì sẽ phải thay vào chỗ người đang bị bịt mắt, nếu nhiều người xin vào sẽ thực hiện oẳn tù tì để xác định người phải bịt mắt.

12. Cướp cầu/ Tung cầu

Cướp cầu Tung cầu

Đây là một trò chơi dân gian đã trở thành phong tục ở nhiều lễ hội, nhiều địa phương. Có thể nói đây cũng là một hoạt động tín ngưỡng trong nghi thức cầu mùa của cư dân nông nghiệp, sùng bái tự nhiên.

Quả cầu được dùng trong trò này có thể là quả cầu bằng gỗ tròn, có khi là quả bưởi, cũng có khi là quả dừa, được sơn son thiếc vàng. Trước khi đưa cầu ra cướp phải qua nghi lế trình Thánh.

Sau khi thực hiện các nghi lễ cần thiết, quả cầu được tung ra sân đình. Những người tham gia – trai tráng trong làng sẽ cởi trần, đóng khố lụa đủ màu sắc khác nhau bắt đầu lao vào giành giật lấy quả cầu. Cuộc cạnh tranh diễn ra quyết liệt giữa tiếng trống thúc liên hồi, tiếng hò reo cỗ vữ. Người chơi phải dùng lực, trí, mưu, sự dũng mãnh để có thể cướp được cầu. Cuối cùng, người nào cướp được cầu sẽ nhanh chóng ôm cầu chạy vào trong đình là người thắng cuộc.

Có một số nơi, người chơi sẽ chia thành hai đội chơi, đội nào cướp được cầu ném vào hố đã được đào sẵn bên hướng đối phương nhiều hơn sẽ là đội thắng cuộc. Có nơi lại cầu sẽ được ném vào một cái giỏ đã được bố trí sẵn, bên nào ném vào giỏ bên đối phương trước sẽ là đội thắng cuộc.

13. Phi lon/ Ném lon

Để bắt đầu trò chơi, người chơi cần chuẩn bị một cái lon, có thể lon hộp sữa ông thọ, lon nước. Vẽ một vòng tròn bao quanh cái lon ấy. Một người chơi sẽ có nhiệm vụ canh giữ lon không cho lon bị đổ, những người còn lại sẽ cần chuẩn bị 1 chiếc dép để có thể ném lon. Tại vạch kẻ cách lon từ 3-5m, người chơi sẽ đứng tại vị trí đó ném đổ lon, mỗi người chỉ được sử dụng 1 chiếc dép để ném. Nếu dép bị ném lên không làm đổ lon, người chơi phải tìm cách lấy chiếc dép về sao cho không bị người canh giữ bắt được.

Khi có một người chơi phi đổ lon, người canh lon phải nhanh chóng nhặt lại lon và dựng đúng vị trí cũ. Những người chơi còn lại có thể nhân cơ hội này nhanh chóng chạy lên nhặt dép về. Nếu một ai đó bị bắt khi chạy lên lấy dép, sẽ phải thay thế làm người canh lon. Trò chơi cứ thế tiếp tục.

14. Đánh quay/ Đánh gụ

Đánh quay Đánh gụ

Là một trò chơi dành cho con trai, từng được thế hệ 8X, 9X hết sức yêu thích. Số lượng người tham gia từ 2 người trở lên, nếu đông có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ.

Để tham gia, người chơi cần phải chuẩn bị cho mình đồ chơi có chân bằng sắt, thân bằng gỗ được gọi là con quay hoặc gụ. Tùy nơi, mỗi nơi có cách gọi khác nhau. Dùng một sợi dây, quấn từ dưới lên trên, rồi cầm một đầu dây, thả thật mạnh xuống đất để con quay quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất sẽ thắng. Có thể dùng một con quay khác bổ vào con quay đang quay mà nó vẫn quay thì con quay đó là được nhất.

15. Nhảy dây

Một trò chơi dân gian dành cho cả nam lẫn nữ giúp rèn luyện khả năng nhảy cao, sự linh hoạt của thân thể. Có hai cách chơi, một dành cho tập thể, hai là cá nhân thi đua với nhau.

Đối với tập thể, hai người chơi sẽ cầm 2 đầu dây căng dài đứng hai bên, những người còn lại sẽ lần lượt nhảy qua dây từ mức căng có thể từ thấp đến cao, độ khó cũng vì thế mà tăng dần lên. Ai nhảy không qua, vướng dây thì sẽ vào thay cho một trong hai bạn đang đứng dây tùy thuộc ai làm lâu hơn.

16. Trốn tìm

Trò chơi được tổ chức ở những khu vực có sân chơi rộng, có nhiều chỗ có thể ẩn lấp. Những người chơi sẽ oẳn tù tì để tìm ra người thua cuộc để làm người bịt mắt sau đó đi tìm. Người đi tìm sẽ đứng úp mặt vào một cái cây, bờ tường sau đó đếm 5,10,15,20, …100, đếm bao nhiêu mới được đi tìm tùy thuộc vào giao kèo lúc đầu. Trong lúc này, những người chơi còn lại nhanh chóng tìm cách ẩn lấp.

Sau khi đếm xong, bắt đầu đi tìm, khi phát hiện ra ai đang lấp chỗ nào, hô to tên và chỉ ra vị trí của người ấy và nhanh chóng chạy đến chỗ bịt mắt ban đầu để chạm tay vào. Nếu người bị phát hiện chạm đến chỗ bịt mắt ban đầu trước và hô “tê” trước thì người đó thắng. Nếu không sẽ là thua cuộc. Những người khác khi chưa bị phát hiện, nhân lúc người đi tìm không canh chỗ bịt mắt ban đầu nhanh chóng chạy đến và chạm vào.

Trong trường hợp còn 1,2 người, tìm quá lâu mà không phát hiện ra vị trí của người đó, người bịt mắt sẽ hô to “thả cóc, cóc không ra cóc chết”. Khi đã có hiệu lệnh, những người còn lại sẽ đi ra, nếu vẫn không ra sẽ bị coi là thua. Trong một ván, không ai bị thua thì người đi tìm vẫn tiếp tục bịt mắt. Ngược lại, người thua sẽ trở thành người đi tìm.

17. Đi cà kheo

Đi cà kheo

Đây là trò chơi dân gian tập thể thường được tổ chức tại những bãi đất trống hoặc ở bãi biển, thi đấu giữ hai đội chơi với nhau. Người chơi sẽ đi trên cây cà kheo để thi đấu. Cây cà kheo được làm bằng tre, cao khoảng 3m có chỗ đặt chân cách mặt đất từ 1,5 -2m. Trong quá trình thi đấu, nếu ai bị ngã hoặc không kịp thời gian thi đấu sẽ bị phạt theo quy định.

18. Thả đỉa ba ba

Đây là trò chơi tập thể, số lượng người chơi có thể từ 10 -12 người. Nên chơi ở những khu vực sân chơi, nơi một bên là hiên 1 bên sân có mép, nếu không phải kẻ hai vạch cách nhau khoảng 3m để làm bờ. Người chơi sẽ đứng cạnh nhau tạo thành vòng tròn quay mặt vào trong. Chọn một người trong vòng tròn để bắt đầu đọc bài đồng dao:

“Thả đỉa ba ba

Chớ bắt đàn bà

Phải tội đàn ông

Cơm trắng như bông

Gạo tiền như nước

Sang sông về đò

Đổ nắm đổ muối

Đổ chuối hạt tiêu

Đổ niêu nước chè

Đổ phải nhà nào

Nhà đấy phải chịu.”

Đọc câu nào thì người ấy chỉ tay vào một bạn lần lượt theo chiều kim đồng hồ, khi câu “Nhà đấy phải chịu” vang lên, bạn nào bị chỉ tay bạn ấy sẽ đóng vai đỉa.

“Đỉa” sẽ đứng giữa sông, người chơi phải tìm mọi cách để chạy từ bờ bên này sang bờ bên kia, không được phép chạy đến giữa chừng rồi quay lại, vừa lội vừa hát “Đỉa ra xa tha hồ tắm mát”. Khi thấy người dưới sông, đỉa phải nhanh chóng chạy đến đuổi bắt. Nếu chạm đươc vào ai (người chơi chưa kịp chạy lên bờ) thì người ấy sẽ bị coi là thua và phải làm đỉa. Trò chơi lại được tiếp tục.

19. Nu na nu nống

Nu na nu nống

Trò chơi thường được chơi theo nhóm từ 3-5 người. Những người chơi sẽ ngồi xếp hàng bên nhau, hai nhân duỗi ra, tay cầm tay vừa chỉ tay vào đùi vừa đọc bài đồng dao:

“Nu na nu nống

Đánh trống phất cờ

Mở hội thi đua

Thi chân đẹp đẽ

Chân ai sạch sẽ

Gót đỏ hồng hào

Không bẩn tí nào

Được vào đánh trống.”

Hay như:

“Nu na nu nống

Cái cống nằm trong

Cái ong nằm ngoài

Củ khoai chấm mật

Bụt ngồi bụt khóc

Con cóc nhảy ra

Con gà ú ụ

Bà mụ thổi xôi

Nhà tôi nấu chè

Tè he chân rút.”

Mỗi từ trong bài đồng dao sẽ ứng với một chân theo thứ tự từ đầu đến cuồi rồi quay ngược lại. Bài đồng dao ở mỗi vùng miền đều khác nhau, thế nhưng khi nghe đến từ cuối cùng, trúng chân nào thì chân ấy sẽ co lại cho đến hết. Lúc ấy trò chơi lại bắt đầu lại từ đầu.

20. Kéo cưa lừa xẻ

Trò chơi này giành cho hai người. Hai người chơi sẽ ngồi dối diện nhau, tay cầm tay vừa hát vừa kéo tay và đẩy qua đẩy lại giống như đang cưa một khúc gỗ. Hát một từ thì lại đẩy hoặc kéo một lần. Tuy vùng miền mà có thể sẽ có cải biến một chút, dưới đây là bài hát:

“Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe

Về ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Thì về bú mẹ.”

Trên đây là tổng hợp các trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam, nhiều trò chơi đã trở thành tục lệ trong các dịp Hội làng, lễ tết, là món ăn tinh thần không thể thiếu gắn bó với biết bao thế hệ người Việt. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về văn hóa cũng như những trò chơi truyền thống.

Bạn thấy bài viết Tổng hợp các trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam có đáp ướng đươc vấn đề bạn tìm hiểu không?, nếu không hãy comment góp ý thêm về Tổng hợp các trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam bên dưới để vietabinhdinh.edu.vn có thể thay đổi & cải thiện nội dung tốt hơn cho các bạn nhé! Cám ơn bạn đã ghé thăm Website: vietabinhdinh.edu.vn

Nhớ để nguồn bài viết này: Tổng hợp các trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam của website vietabinhdinh.edu.vn

Chuyên mục: Hình Ảnh Đẹp

Xem thêm chi tiết về Tổng hợp các trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam
Xem thêm bài viết hay:  Tranh tô màu con chim đẹp và dễ thương nhất dành cho bé yêu

Viết một bình luận